Ý nghĩa thực sự của việc học là gì?

Từ ngày còn bé, ba mẹ chúng ta đã làm việc rất vất vả để cho con đi học với mong muốn rằng con sẽ có một công việc ổn định và nhàn hạ hơn mình. Đó là suy nghĩ hầu hết của những bậc làm cha mẹ.

Xã hội muốn đo năng lực của công dân bằng những chuẩn mực đã được chấp nhận bằng điểm số, bằng cấp, nhưng sau cuộc đua đó, các con cần phải hiểu được chính bản thân, nhận ra giá trị của mình với mọi thứ xung quanh.

Ngày nay, có rất nhiều khoá học dạy trẻ tự tin hơn, ba mẹ cũng cố gắng bằng mọi cách để con thành công hơn, và cho rằng con sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng hạnh phúc đó nhiều khi bị hiểu lầm là con phải hơn người khác, hạnh phúc có được nhờ sự so bì. Và để tự tin, hạnh phúc, thành công, con luôn phải đặt mình trong cuộc đua của sự cạnh tranh.

Ba mẹ vẫn biết điều đó là không tốt, nhưng điều tệ hại hơn là không dám thay đổi vì những áp lực của tâm thức cộng đồng. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đầy rẫy những bất an bằng những hình thức sáng tạo nhất. Điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm để giúp con ứng phó trước những nỗi lo là giúp con có một niềm hạnh phúc và sự tự tin nội tại.

 

  • Học là để biết, để hiểu, để cảm nhận, để ý thức.
  • Học là gom góp những kinh nghiệm sống.
  • Học là để hòa đồng với thế giới chung quanh, để tìm ra được hướng đi cho chính bản thân, để sống hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc với mọi người.

Liệu ba mẹ có thể “học” thay cho con những điều trên khi chúng ta không thể ở đó mãi để hướng dẫn chúng? Hay để lại tất cả tài sản và những điều tốt đẹp mà chúng ta tạo dựng ra để giúp con học được những điều trên?

Kiến thức rất quan trọng, kỹ năng rất quan trọng, tuy nhiên cả một chặng đường dài vài chục năm phía trước, vậy thì điều gì cần phải được bồi đắp từ rất sớm cho một đứa trẻ?

 

1/ Tình yêu thương với sự sống xung quanh

Và “Sứ mệnh của giáo dục không phải là để tạo ra những kỹ sư, những nhà khoa học, những người nắm trong tay đủ mọi loại kiến thức, mà ý nghĩa sau cùng của giáo dục là khiến cho con người biết trân trọng sự sống, cảm nhận sự sống trong tổng thể, yêu mến đối với mọi sự sống trên thế giới này.”  – Krishnamurti.

Hạnh phúc có một ý nghĩa lớn hơn chính là sự sẻ chia, và chúng ta không thể trao tặng ai điều gì nếu chúng ta không có những thứ đó trong lòng. Vun đắp cho con lòng yêu thương, học cách sẻ chia, tôn trọng xung quanh, đó có lẽ là gia tài lớn nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con.

2/ Khả năng tự học:

Một trong những kỹ năng quan trọng cần được rèn cho trẻ khi còn nhỏ chính là KHẢ NĂNG TỰ HỌC. Tự học giúp trẻ chủ động và thích nghi được với những thay đổi bên ngoài. Khả năng tự học thể hiện ở quá trình tự Quan sát – Phân tích – Đúc kết được vấn đề, hiện tượng thông qua những trải nghiệm thực tế. Học cách nhìn nhận vấn đề ở chiều sâu theo tư duy nhân – quả để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong những trường hợp cần thiết.

Điều đó đồng nghĩa người lớn chỉ là người hướng dẫn, con các con phải tự trải nghiệm lấy để rút ra bài học cho mình. Đồng nghĩa với việc các con có quyền được sai, học cách thất bại và được chấp nhận là – mình.

3/ Sự kiên trì – nhẫn nại với những khó khăn

Dù có thông minh, tài giỏi đến đâu thì những điều bất như ý vẫn luôn xảy đến. Chúng ta không thể dọn sạch khó khăn trên bước đường con đi, nhưng lại có thể giúp con có một nội lực bên trong để đương đầu với những khó khăn.

Đó là sự dũng cảm khi quyết định làm một điều gì đó khác đi, khó hơn.

Đó là sự kiên nhẫn để đi đến cùng, để chịu đựng những khó khăn.

Đó là sự tĩnh lặng trước những đổi thay của cuộc đời.

Sau tất cả, việc học mang một ý nghĩa lớn hơn là dạy trẻ có tình yêu thương để chia sẻ và thông cảm với mọi người, có đủ Trí Tuệ để phân biệt đúng sai, sáng tạo, dạy cho trẻ sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách trên đường đời.

Cân bằng giữa nuôi dưỡng Đạo đức, trau dồi Trí tuệ và rèn luyện Nghị lực là giá trị cốt lõi trong triết lý đào tạo của hệ thống trường.

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *